Tìm hiểu IP Public, IP Private trong mạng máy tính

Bài này mình không hướng dẫn cách chia địa chỉ IP, phân biệt Netmask và Subnet Mask đâu hại não lắm. IP máy tính là bài học vỡ lòng của dân công nghệ thông tin, tài liệu tìm hiểu và các khái niện về IP trên mạng nhiều vô kể. Ai cần chuyên sâu cứ kiếm khóa học quản trị mạng là ra hết.

IP Private và IP Public

Với người dùng VPS chúng ta chỉ quen với việc tạo VPS, xem địa chỉ IP rồi mở Putty lên SSH vào là dùng. Còn cá nhân hay hộ gia đình thì chỉ cần biết cắm dây mạng vào case máy tính chỗ nào sao cho vào được google là được.

Do đó mọi người bỏ qua những khái niệm như IP Private, IP Public, mạng LAN,mạng Internet vì nó cũng khó hiểu thật. Bạn chỉ thấy thật sự thấy cần thiết khi muốn tạo Web Server riêng tự đưa lên internet, muốn xem camera qua mạng trên iphone của mình, hay triển khai hệ thống Cloud VPS làm việc với nhau bằng Private Network…

Giờ chúng ta cùng đi tìm hiểu mạng IP nhé.

1. Giống và khác nhau giữa IP Public và IP Private là gì

IP Public còn được gọi là IP công cộng, nhiều Server/VPS dùng IP Public thì tạo thành dải mạng Public Network

IP Private gọi là IP riêng, nhiều IP Private tao thành dải mạng Private Network. Nhiều người còn gọi lại IP LAN, IP Localhost.

Tuy khác nhau về cách sử dụng nhưng chúng được gọi chung là IPv4 (IP version 4).

IPv4 là một dãy số dạng xxx.xxx.xxx.xxx được chia làm 4 khối xxx cách nhau bởi dấu chấm, mỗi xxx có giá trị chạy từ 0 đến 255.

Theo quy định của thế giới IP Private gồm có 3 dải mạng (range)

IPv4 Network Private

Bạn để ý chỗ bôi vàng cho mình, chỉ cần quan tâm đến dạng của nó và số lượng IP trong mỗi dải mạng thôi. Còn nó thuộc lớp A, B, C là cách gọi chẳng quan tâm làm gì. Cả cái /8/16 là Subnet Mask cũng bỏ qua luôn nó cũng hơi loằng ngoằng.

Vậy những IP còn lại không thuộc dải IP Private là IP Public. Nói vậy cũng chưa chính xác, còn một số dải đặc biệt dùng cho mục đích nghiên cứu hoặc dùng riêng cho các thiết bị.

Như 127.0.0.0/8 là dải IP Loopback, địa chỉ chúng ta hay gặp trong dải này là IP 127.0.0.1. IP này khá đặc biệt máy tính nào cũng có nhưng nó chỉ tồn tại và hoạt động trên chính máy đó thôi, nó không có khả năng giao tiếp với máy tính khác.

Hay 169.254.0.0/16 là dải IP Link-Local, bạn sẽ thấy nó xuất hiện khi máy tính của bạn không được gán IP nó sẽ tự sinh ra địa chỉ này. Phạm vi hoạt động của nó rộng hơn so với IP Loobback, những máy tính thuộc dải IP này có thể giao tiếp với nhau nhưng không giao tiếp được với mạng khác được chia tách bởi Router.

Nói đến đây có vẻ sẽ sang nhưng khái niệm khó hiểu hơn nên dừng ở chỗ này, bạn cẩn hiểu rằng những dải IP có dạng giống với hỉnh ở trên là IP Private còn lại là IP Public thế là đủ.

Chú ý tiếp theo là tất cả các thiết bị điện tử muốn kết nối với nhau kiểu gì cũng phải có địa chỉ IP như vi tính, smartphone , camera, máy in, ti vi …

Chỉ có IP Public mới kết nối được internet còn IP Private không kết nối được internet.

IP Private chỉ dùng được trong mạng LAN giống mạng công ty hay mạng quán net vậy.

Cả IP Public và IP Private đều tồn tại dưới dạng IP động (Dynamic) hay IP tĩnh (Static).

  • IP động: nghĩa là, hôm nay máy tính của bạn có IP là A thì mai nó lại có IP là B hiển nhiên việc thay đổi này diễn ra tự động được quản lý bởi một thiết bị hay một máy chủ gọi là DHCP Server.
  • IP tĩnh: là cách đặt địa chỉ IP thủ công trên từng thiết bị nó không bị thay đổi theo thời gian.

IP Public dạng Static bạn phải mua mới có và chỉ có nhà cung cấp internet mới có mà bán cho bạn.

Một thiết bị có thể có nhiều IP Private hay IP Public.

Đấy là những đặc điểm quan trọng bạn cần biết để phân biệt được các loại IP, chúng ta sang phần tiếp theo.

2. Cách kiểm tra IP trên máy tính.

Kiểm tra IP trên máy vi tính rất dễ và có nhiều cách khác nhau.

Trên Windows

Bạn vào Run gõ vào chữ cmd để gọi trường trình Command Prompt, rồi nhập vào

ipconfig

Kết quả như hình bên dưới.

ipconfig

Như vậy máy tính của mình có IP Private là 192.168.0.105 và nó không thể kết nối internet một cách “bình thường” được, tại sao nói thế bạn cứ đọc hết bài là hiểu.

Trên Linux

bạn chỉ cần gõ lệnh

ifconfig

Bạn sẽ nhìn thấy IP như hình dưới

ifconfig

VPS của mình có IP Public là 45.32.248.119 nên nó truy cập được ngay là hiển nhiên.

3. Cách dùng IP Public và Private

Cách sử dụng IP khá đơn giản, nếu dùng IP Private, Public dạng Dynamic việc cấp phát IP diễn ra tự động bạn chẳng phải làm gì cả ngoài việc sử dụng. Như khi dùng Cloud VPS, tạo xong VPS là bạn đã truy cập vào VPS qua IP Public luôn.

Trường hợp dùng IP dạng Static thì phức tạp hơn tẹo bạn phải gán thủ công vào PC hay Server của bạn. Được dùng khi bạn dùng Dedicate Server hay thuê chỗ đặt Server ở IDC, bạn xem cách đặt IP tĩnh như bài viết bên dưới.

Phần này mình sẽ giải thích câu bôi đỏ ở trên: chỉ có IP Puclic kết nối được internet còn IP Private không kết nối được Internet

Tại sao máy tính ở nhà hay quán nét dùng IP Private mà vẫn đi ra internet ầm ầm ?

Câu hỏi này được nhiều người quan tâm.

Sự ra đời của IP Private và IP Public là điều mà những người kiến tạo internet không mong muốn. Cái thuở sơ khai của internet người ta không nghĩ rằng đến thế kỷ 21 mạng internet lại khủng khiếp như thế. IPv4 dần chạm đến giới hạn của nó, hệ thống internet có thể bị sụp đổ vì không còn đủ IP cho thiết bị sử dụng nữa.

IP Private và Public ra đời đển giảm lượng IP được dùng trên thiết bị xuống. Nó chia mạng máy tính thành 2 phần Internet và LAN.

  • Internet: là mạng chỉ có IP Public làm việc với nhau.
  • LAN: chỉ có máy tinh dùng IP Private làm việc với nhau.

Những máy tính trong LAN muốn truy cập ra internet thì phải qua một thiết bị gọi là Router để biến IP Private thành IP Public. Kỹ thuật đó người ta gọi là NAT (Network Address Translation), con Modem nhà bạn là một thiết bị Router.

Do IP Public khan hiếm, sau khi IP Private NAT thành IP Public nó cũng chỉ tồn tại ở dạng Dynamic và thay đổi liên tục giúp nhà cung cấp internet quản lý và thu hồi IP. Vì hầu hết người dùng chỉ cần truy cập internet nên chẳng ai thèm quan tâm mấy khái niệm Động/Tĩnh Public/Private làm gì.

Vì vậy nếu muốn đưa Web Server ra ngoài internet bạn cần hai điều kiện: có IP Public và tồn tại ở dạng Static

Vậy bạn đã biết tại sao thiết bị dùng IP Private không thể truy cập internet một cách “bình thường” rồi đúng không ? Cách chia không gian mạng thành Internet và LAN này có vài hạn chế.

  • Phải phát triển thêm những thiết bị NAT rất nhiều chi phí.
  • Tốc độ Internet chậm đi, vì một PC truy cập internet nó phải đi qua nhiều lớp thiết bị khác nhau.

Nên những năm gần đây bạn nghe thấy khái niệm IPv6 là phiên bản mới của IPv4. Nó giúp chúng ta quay lại với mục địch bạn đầu khi tạo ra IP, không có NAT không còn khái niệm Private và Public, tất cả là Public hết. Số lượng IPv6 nhiều đến độ mỗi người trên thế giới có thể có cả tỷ tỷ thiết bị mà vẫn không hết IP.

Hiện tại hạ tầng mạng thế giới vẫn kết hợp IPv4 và IPv6, với thế mạnh của IPv6 có thể một vài năm nữa bạn sẽ không còn phải dùng modem nữa.

4. Kết bài

Vậy là những khái niệm IP Private , IP Public, IP Dynamic, IP Static, mạng Internet, mạng LAN bạn đã hiểu được phần nào. Để đưa một website hay ftp server chia sẻ dữ liệu ra internet bạn chỉ cần nhấc điện thoại gọi cho ISP bảo họ cấp cho bạn một IP Static là xong.

Một câu hỏi mở dành cho chủ đềmới, dùng IP Public dạng Dynamic có chạy được website không ?

Câu trả lời xin dành cho bài viết khác, cảm ơn các bạn đã theo dõi.

9 Comments

  1. Đặng Ngọc Tuấn July 3, 2019 Reply
  2. Thiện April 21, 2019 Reply
  3. Huỳnh Tâm Cửu March 22, 2019 Reply
    • Mr Thủy March 22, 2019 Reply
      • Trieu September 17, 2019 Reply
        • Mr Thủy September 17, 2019 Reply
          • dương January 16, 2020
          • Mr Thủy January 16, 2020
  4. Mr Tiến April 18, 2017 Reply

Leave a Reply